Kiệt quệ khi chăm người thân đột quỵ

Bệnh đột quỵ khiến ông Nguyễn Khắc Long, 68 tuổi, bố đẻ chị nằm liệt một chỗ, thi thoảng ú ớ vài từ. Mỗi giờ, chị lại đổi tư thế nằm của bố mỗi giờ để chống loét, vệ sinh răng miệng, nâng lên đặt xuống cho cơ thể đỡ mỏi.

Chứng kiến cảnh bố có thể phải "sống thực vật" quãng đời còn lại, đôi mắt chị Hoa rưng rưng: "Gia đình tôi sốc vì bố đột ngột lâm bệnh nặng. Dù còn 1% hy vọng, tôi và các anh chị em vẫn phải cố gắng".

Dứt lời, chị lấy tay gạt vội giọt nước mắt. Ông Long khởi phát triệu chứng tê tay, được gia đình đưa vào viện khám với chẩn đoán thiếu máu não, cho thuốc uống. Tuy nhiên, tình trạng diễn biến xấu, cơ thể gần như liệt một bên, bệnh nhân mới được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, sau đó chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn điều trị tiếp.

Bị thất ngôn, suy giảm ý thức, ông Long phụ thuộc người nhà trong hầu hết sinh hoạt cá nhân. Gia đình có 5 người con nhưng người chăm sóc cả ngày đêm là chị Hoa. Thời gian đầu, người phụ nữ khốn khổ vì bố không nói được, uống một ngụm nước cũng trở nên khó khăn. Đêm đến, ông ho khan, rên rỉ vì đau đớn khiến con gái không thể chợp mắt, thường xuyên ngồi bóp tay chân cho bố. Tâm lý của ông cũng bất ổn, hay cáu gắt, chán nản. Kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn do chi phí thuốc men ngày càng nhiều, có thể kéo dài nhiều năm về sau.

"Chăm bố thời gian không dài nhưng tôi mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần", chị nói, thêm rằng nhiều lúc cũng cáu kỉnh, buồn bực, thất vọng.

Chị Hoa chăm sóc bố bị đột qụy tại viện. Ảnh: Thúy Quỳnh

Chị Hoa chăm sóc bố bị đột qụy tại viện. Ảnh: Thúy Quỳnh

Cùng buồng với ông Long là cụ Chu Văn Thái, 78 tuổi cũng bị đột quỵ. 5h sáng, cụ kêu muốn đi vệ sinh, người vợ Nguyễn Thị Hồng Loan, 75 tuổi, cố gắng dìu chồng ngồi dậy. Tiếng bước chân nặng nề vang lên trong hành lang nhá nhem, cùng tiếng thở dốc của cặp vợ chồng già.

Dù con cái hay qua lại thăm nom, song việc chăm sóc chính vẫn là bà Loan, túc trực tại viện toàn thời gian. Ông Thái bại liệt, phải nằm một chỗ nên mọi sinh hoạt, ăn uống đều do vợ đảm nhiệm. Ở tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi, quây quần bên con cháu, song bà Loan phải gác hết mọi sở thích cá nhân. "Cực khổ bao nhiêu tôi cũng cố gắng để chăm sóc ông, nhìn chồng bệnh tật tôi không đành lòng", bà bộc bạch.

Dù vậy, người phụ nữ cũng mắc mỡ máu, huyết áp cao nên thường xuyên mệt mỏi, chân tay run. Sinh hoạt thất thường tại viện cùng nỗi lo bạn đời bệnh tật khiến bà thêm buồn chán, đôi lúc cảm thấy bất lực, tức giận với hoàn cảnh.

Bác sĩ Nguyễn Đình Hiến, Khoa Nội Tim mạch - Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nhìn nhận hầu hết bệnh nhân sau đột quỵ chịu những di chứng tổn thương nặng nề, 30% không thể phục hồi. Trong các di chứng, phổ biến nhất là rối loạn vận động như liệt, yếu cơ; rối loạn nhận thức, tâm lý, giao tiếp, khả năng sinh hoạt, đại tiểu tiện, thậm chí cả tình dục. Di chứng sau đột quỵ được xem là bệnh lý đa tàn tật, bởi vậy, người chăm sóc phải chịu đựng nhiều gánh nặng về thể chất, tâm lý, kinh tế.

Một nghiên cứu công bố trên JAMA Network Open năm 2023 đã xem xét 277.142 cặp vợ chồng ở Nhật Bản, trong đó 40% trong độ tuổi lao động. Kết quả cho thấy vợ hoặc chồng của những người bị suy tim, đột quỵ có thể mắc bệnh trầm cảm cao hơn những người bình thường. Một công trình khác công bố trên tạp chí Neurology cho thấy gần 30% người chăm sóc bệnh nhân đột quỵ nặng gặp phải căng thẳng và vấn đề về cảm xúc trong năm đầu tiên sau khi bệnh nhân xuất viện.

Người chăm sóc có thể cảm thấy căng thẳng, kiệt sức, và có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu. Điều này có thể ảnh hưởng đến cả chất lượng cuộc sống của họ và khả năng chăm sóc người bệnh.

Chăm sóc bệnh nhân đột qụy nhiều gánh nặng. Ảnh: Thúy Quỳnh

Chăm sóc bệnh nhân đột qụy nhiều gánh nặng. Ảnh: Thúy Quỳnh

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận khoảng 10-15% ca đột quỵ trên toàn thế giới xảy ra ở người dưới 45 tuổi. Ở Việt Nam, năm 2023 Bộ Y tế cho biết khoảng 5-7% số ca đột quỵ là người dưới 45 tuổi, có xu hướng ngày càng phổ biến những năm gần đây. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, tỷ lệ này còn cao hơn, liên quan lối sống và áp lực công việc trong môi trường đô thị hóa. "Người trẻ đột quỵ làm tăng gánh nặng về thời gian chăm sóc cho người thân, kéo theo hàng loạt gánh nặng về sức khỏe, tài chính", bác sĩ Hiến cho hay.

Thực tế, phục hồi chức năng sau đột quỵ là học lại những động tác quen thuộc như một đứa trẻ, từ tập đi, nói, cầm nắm vật dụng, vì vậy người chăm sóc phải có thể chất tốt để hỗ trợ vệ sinh thân thể hay các hoạt động thường ngày. Họ cũng cần dành gần như toàn bộ thời gian cho người bệnh, có thể phải nghỉ làm hoặc thay đổi công việc.

Người bệnh sau đột quỵ sẽ có các biến đổi về tâm lý, như suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, trầm cảm, rối loạn lo âu, giấc ngủ,... dễ dàng tác động tiêu cực sang người thân. Gánh nặng của người chăm sóc có thể lớn hơn do thiếu kiến thức và không có khả năng đối phó căng thẳng hiệu quả. Nhiều người chăm sóc không được san sẻ các gánh nặng, dẫn đến stress kéo dài, nguy cơ mắc thêm bệnh khác.

Một gánh nặng khác là về kinh tế. Người trong độ tuổi lao động khi đột quỵ sẽ bị mất nguồn thu nhập, mất khả năng lao động, khiến người thân chịu thêm sức ép tài chính để duy trì cuộc sống cũng như các chi phí y tế khác.

Để giảm bớt căng thẳng từ việc chăm sóc, bác sĩ khuyên người nhà nên tìm hiểu thông tin về tình trạng của người thân, "kiến thức mang lại sức mạnh". Duy trì ăn uống, nghỉ ngơi, tập thể dục, để bản thân "khỏe mạnh" trước tiên mới có thể chăm sóc tốt người khác. Dành thời gian cho bản thân và bạn bè, tham gia các hoạt động bạn yêu thích để cân bằng tâm trạng. Các gia đình nên tạo mối liên hệ đoàn kết, tránh trường hợp một người chăm toàn bộ, không có thời gian nghỉ ngơi, dẫn đến quá tải.

Thúy Quỳnh