Lý do bệnh vảy nến trở nặng vào mùa lạnh

Vảy nến là bệnh viêm hệ thống mạn tính không lây, diễn tiến từng đợt. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là các mảng bong tróc, sần sùi phủ đầy vảy, có thể gây đau và ngứa dữ dội.

Bệnh vảy nến có thể gây ra các triệu chứng vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng thời tiết từng mùa ảnh hưởng đến tình trạng viêm và dị ứng theo cách khác nhau. Dưới đây là ba nguy cơ với người bệnh vảy nến vào mùa thu đông và các biện pháp nhằm kiểm soát triệu chứng, hạn chế các đợt bùng phát.

Nhiệt độ lạnh và không khí khô

Thói quen chăm sóc da là một phần quan trọng để kiểm soát triệu chứng vảy nến. Sản phẩm bôi lên da gây khô da hoặc kích ứng đều có thể làm triệu chứng nặng hơn. Hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ có thể khiến da nhạy cảm, dễ bị các tác nhân bên ngoài xâm nhập. Phản ứng miễn dịch kết hợp tình trạng viêm sẵn có do bệnh vảy nến gây đau, ngứa càng bùng phát nặng hơn.

Không khí lạnh, khô có thể gây kích ứng và làm khô da, trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh vảy nến. Người bệnh cần thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên hơn trong mùa thu đông. Cân nhắc sử dụng kem hoặc thuốc mỡ đặc, không mùi để dưỡng ẩm và khóa ẩm cho da tốt hơn.

Người bệnh vảy nến nên sử dụng sữa rửa mặt dưỡng ẩm thay vì xà phòng thông thường, tắm nước ấm không quá 10 phút. Kỳ cọ bằng tay, thay vì dùng khăn lau, xơ mướp để tránh kích ứng da. Sử dụng máy tạo độ ẩm để tăng thêm độ ẩm cho không khí trong nhà hoặc nơi làm việc.

Khi ra ngoài, hãy mặc nhiều lớp quần áo ấm để bảo vệ da khỏi không khí lạnh. Chọn quần áo cotton ít gây ngứa và kích ứng hơn so với vải len hoặc vải tổng hợp như polyester.

Giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Mọi người có xu hướng ít tiếp xúc với ánh nắng vào mùa thu đông hơn so với xuân, hè. Điều này có thể làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh vảy nến, vì tia UVB giúp hạn chế các triệu chứng ở nhiều người mắc tình trạng này. Tiếp xúc với tia UVB tự nhiên có thể làm dịu tình trạng viêm và giảm bong tróc ở người bị bệnh vảy nến nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, bác sĩ không khuyến cáo sử dụng ánh sáng mặt trời để điều trị vảy nến trong mọi trường hợp.

Để kiểm soát các triệu chứng vào mùa lạnh, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp quang trị liệu, còn gọi là liệu pháp ánh sáng. Trong đó, người bệnh tiếp xúc với tia UV bằng đèn mặt trời hoặc thiết bị chiếu sáng khác. Đây là phương pháp điều trị đã được xác định hiệu quả cho bệnh vảy nến mạn tính. Tiếp xúc có mục tiêu với ánh sáng UV có thể giảm các triệu chứng của bệnh vảy nến và làm chậm quá trình phát triển của tế bào da.

Khi ra ngoài trời, người bệnh vẫn nên thoa kem chống nắng có khả năng vừa giữ ẩm vừa bảo vệ da khỏi tia cực tím A. Nên chọn kem chống nắng khoáng chất phổ rộng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Tránh dùng kem chống nắng có mùi thơm, chất phụ gia và hóa chất.

Tiêm thuốc sinh học điều trị vảy nến tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tiêm thuốc sinh học điều trị vảy nến tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nhiễm trùng

Nhiều bệnh nhiễm trùng do virus phổ biến hơn vào mùa thu đông, trong đó có cúm. Nhiễm trùng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, có thể khiến bệnh vảy nến nặng hơn.

Để giảm nguy cơ này, người bệnh nên tiêm vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo, bao gồm vaccine cúm. Hạn chế tiếp xúc với người có nguy cơ mắc bệnh. Rửa tay thường xuyên trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, chạm vào động vật, tiếp xúc với người mắc bệnh. Thực hiện lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng.

Người đang dùng thuốc sinh học để điều trị bệnh vảy nến, bác sĩ có thể đề nghị điều chỉnh thuốc hoặc lịch tiêm vaccine. Trao đổi với bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nhiễm trùng để được xác định nguyên nhân, điều trị kịp thời.

Anh Ngọc (Theo Healthline)

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp