Nên ăn bao nhiêu thịt mỗi bữa?

Trả lời:

Lượng thịt bổ sung mỗi bữa ở mỗi người khác nhau, tùy thuộc độ tuổi, giới tính, sinh lý, đang mang thai, cho con bú, bệnh lý hoặc mức độ lao động.

Với người 50-70 kg, lao động cường độ trung bình thì nên ăn 100 g thịt hoặc cá cho mỗi bữa trưa hoặc tối. Người tập thể dục cường độ cao nên tăng cường tiêu thụ thịt để tối ưu trong xây dựng cơ bắp. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, mỗi tuần không nên tiêu thụ quá 300-500 g thịt đỏ và tốt nhất chỉ nên ăn thịt đỏ khoảng 2 lần mỗi tuần. Nên bổ sung thêm cá và các nguồn đạm thực vật như đậu phụ để dinh dưỡng được đa dạng.

Mọi người cân đối ba chất sinh năng lượng là bột đường, chất đạm, chất béo. Lượng đạm một người cần bổ sung từ 1,1 đến 1,3 g trên mỗi kg trọng lượng một ngày, trong đó đạm động vật chỉ nên chiếm 50% tổng nhu cầu đạm.

Đạm động vật bao gồm các loại thịt (heo, bò, gà, vịt), cá, trứng, hải sản, tôm cua. Đạm thực vật bao gồm các loại đậu như đậu nành, đậu xanh, đậu đen, sản phẩm từ đậu như giá đỗ, đậu phụ; yến mạch, các loại hạt như hạt hướng dương, hạt mè, các loại rau xanh đậm.

Ăn quá nhiều đạm từ động vật có thể gây ra một số nguy hại cho sức khỏe. Đầu tiên, chế độ ăn giàu protein động vật, đặc biệt là thịt đỏ và thực phẩm từ sữa béo, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim do tăng tiêu thụ chất béo bão hòa. Ngoài ra, việc tiêu thụ lượng đạm cao mà thiếu chất xơ có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa và làm tăng nguy cơ mắc bệnh về thận, đặc biệt nếu có dấu hiệu suy thận. Do đó, cần cân bằng chế độ ăn uống để tránh những rủi ro trên.

Song, nếu trẻ em, thanh thiếu niên ăn uống thiếu đạm có thể gặp nhiều nguy hại như chậm phát triển về thể chất, dễ mắc bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12 và axit folic...

Ảnh minh họa: Bùi Thủy

Ảnh minh họa: Bùi Thủy

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng
Viện Dinh dưỡng Quốc gia