Những thực phẩm giúp dễ đậu thai sau thụ tinh ống nghiệm

Theo ThS.BS Huỳnh Kha, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8 TP HCM (IVF Tâm Anh Quận 8), chuyển phôi là bước cuối cùng và đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị thụ tinh ống nghiệm (IVF). Sự thành công của quá trình chuyển phôi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng phôi, niêm mạc tử cung, sự tiếp nhận của niêm mạc tử cung đối với phôi thai. Chế độ dinh dưỡng trước, trong và sau chuyển phôi giúp tối ưu niêm mạc tử cung, duy trì cân bằng nội tiết tố, tạo điều kiện thuận lợi để phôi làm tổ và phát triển.

Bác sĩ Kha cho hay trong suốt quá trình điều trị IVF, phụ nữ không cần phải kiêng khem quá gắt gao bất kỳ loại thực phẩm nào, thay vào đó, nên duy trì ăn uống cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng. Những trường hợp có nguy cơ cao quá kích buồng trứng nên tăng cường bổ sung thực phẩm giàu chất đạm như ức gà, thịt, cá..., giúp giảm nhẹ tình trạng này.

Ưu tiên thực phẩm giàu folate như rau lá xanh, bông cải xanh, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây họ cam quýt, bơ, cà chua... Folate là một loại vitamin nhóm B có vai trò hỗ trợ sự phát triển của phôi thai, ngăn ngừa khả năng dị tật ống thần kinh ở thai do thiếu axit folic.

ThS.BS Huỳnh Kha tư vấn phác đồ điều trị cho người bệnh vô sinh hiếm muộn. Ảnh minh họa: Nguyễn Thắng

ThS.BS Huỳnh Kha tư vấn phác đồ điều trị cho người bệnh vô sinh hiếm muộn. Ảnh minh họa: Nguyễn Thắng

Omega 3 giúp cải thiện niêm mạc tử cung, hỗ trợ quá trình phôi bám dính và làm tổ trong lòng tử cung. Thực phẩm giàu omega 3 như các loại cá (cá ngừ, cá hồi, cá mòi, cá trích), các loại hạt như hạt óc chó, macca, hạt chia, đậu nành...

Sắt giúp tổng hợp huyết sắc tố hemoglobin, vận chuyển oxy đến các tế bào đảm bảo cho hoạt động của các mô trong cơ thể. Thiếu sắt gây ra thiếu máu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh, nhất là phụ nữ trước và khi đang mang thai. Những thực phẩm giàu sắt cần được đưa vào thực đơn như rau chân vịt (bina), cà rốt, thịt đỏ, sữa và các chế phẩm từ sữa, hạt bí ngô, củ cải đường... Trong củ cải đường chứa hàm lượng đường cao, người bệnh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để cân đối trong chế độ dinh dưỡng.

Kẽm có nhiều trong hàu, thịt, nấm, các loại hạt, ngũ cốc, sản phẩm từ sữa... giúp cân bằng hormone trong cơ thể, cải thiện khả năng sinh sản, tạo điều kiện thuận lợi cho phôi làm tổ. Bên cạnh bổ sung kẽm từ các thực phẩm tự nhiên, phụ nữ có thể tham khảo lời khuyên của bác sĩ về việc bổ sung các loại viên uống giàu kẽm với liều lượng phù hợp.

Các thực phẩm giàu protein nạc như thịt bò, thịt heo hoặc dê, thịt gia cầm, cá, đậu phụ, các loại đậu, phô mai, giá đỗ... tốt cho sức khỏe phụ nữ. Trứng chứa hàm lượng protein cao và hợp chất choline rất quan trọng cho sự phát triển não của thai nhi, tạo ra DNA và liên quan đến folate, phức hợp vitamin B. Tuy nhiên cần hấp thụ lượng thịt đỏ và trứng ở mức vừa phải.

Rau củ quả tươi như cam, chuối, quả mọng, dâu tây, việt quất, bơ, sầu riêng... chứa nhiều vitamin C, E và các vitamin thiết yếu khác. Chúng giúp chống lại quá trình oxy hóa, chống các gốc tự do, bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương, cải thiện niêm mạc tử cung, hỗ trợ cơ thể giải độc.

Nước rất cần thiết cho hoạt động tuần hoàn, trao đổi chất, hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Do đó, phụ nữ đang điều trị hiếm muộn cũng nên bổ sung đủ 2-3 lít nước mỗi ngày sau chuyển phôi. Lượng nước có thể bổ sung từ nước lọc, nước canh trong các bữa ăn hàng ngày, sữa, sinh tố rau quả...

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng đủ chất, người bệnh nên giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, tránh các hoạt động mang vác vật nặng hoặc chơi thể thao, duy trì sinh hoạt và vận động nhẹ. Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi sử dụng một số loại thuốc kê đơn có tác dụng hỗ trợ phôi làm tổ. Tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng, ngưng thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

Hoài Thương

Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp