Phát hiện hẹp mạch vành khi điều trị béo phì

Ông Nghĩa cao 1,65 m, nặng gần 100 kg. TS.BS Lê Bá Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết chỉ số BMI của bệnh nhân 34,5, béo phì độ hai (BMI trên 30), rối loạn chuyển hóa lipid, mỡ tập trung nhiều vùng bụng và vùng cổ. Ông Nghĩa còn tiền sử hút thuốc lá, bố và anh trai từng đột quỵ tim. Kết quả chụp mạch vành phát hiện hẹp hai động mạch vành đến 80-90%, các đoạn mạch còn lại có xơ vữa rải rác và hẹp nhẹ 20-30%. Bác sĩ tư vấn can thiệp đặt stent dự phòng đột quỵ nhưng ông Nghĩa từ chối do các chỉ số gan, đường huyết bình thường.

Ông Nghĩa điều trị giảm cân bằng thuốc ức chế nội tiết, giảm mỡ dưới da và mỡ nội tạng, giảm 2 kg sau hai tuần. Giữa tháng 12, ông đau tức ngực nhiều dù không vận động nặng, trở lại bệnh viện để kiểm tra.

Theo kết quả chụp mạch vành hai tuần trước, bác sĩ Dương Công Lĩnh, khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, đánh giá ông Nghĩa hẹp mạch vành nghiêm trọng. Tỷ lệ hẹp mạch vành cao cùng dấu hiệu đau ngực cho thấy bệnh nhân thiếu máu và oxy nuôi tim, dấu hiệu sớm cảnh báo nhồi máu cơ tim (đột quỵ tim).

Người bệnh được đặt stent nong hẹp mạch vành, ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ tim. Hậu can thiệp, các bác sĩ tư vấn chế độ ăn cho người bệnh nhằm đảm bảo hai mục tiêu là phục hồi sau can thiệp và giảm cân. Ông Nghĩa xuất viện sau hai ngày theo dõi nội trú, giảm 4 kg sau ba tuần. Bác sĩ Ngọc khuyên bệnh nhân giảm 10% tổng số cân nặng trong ba tháng để kiểm soát biến chứng do béo phì.

Bệnh nhân Nghĩa theo dõi nội trú sau can thiệp mạch vành. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bệnh nhân Nghĩa theo dõi nội trú sau can thiệp mạch vành. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Béo phì là hiện tượng tích tụ mỡ quá nhiều trong cơ thể, phân chia mức độ bằng chỉ số khối cơ thể BMI. Bệnh làm tăng nguy cơ tiểu đường, tim mạch, tiêu hóa, rối loạn nội tiết, hô hấp...

Bác sĩ Ngọc khuyến nghị mọi người lưu ý chỉ số mỡ nội tạng song song với yếu tố cân nặng, bởi mỡ nội tạng là nguyên nhân chính dẫn tới các biến chứng sức khỏe do béo phì. Chỉ số mỡ nội tạng tỷ lệ thuận với số đo vòng eo, nguy cơ sức khỏe tăng lên nếu vòng eo trên 94 cm với nam giới, 80 cm ở nữ giới.

Giảm cân góp phần giảm nguy cơ biến chức sức khỏe do béo phì. Dinh dưỡng và vận động là hai yếu tố cơ bản giúp giảm cân hiệu quả. Hiện đã có thuốc điều trị giảm cân và các phương pháp can thiệp công nghệ cao hỗ trợ điều trị béo phì. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo tư vấn của bác sĩ để có chỉ định phù hợp, nhất là người có bệnh nền.

Khuê Lâm

Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp