Phát hiện ung thư hạch từ dấu hiệu sưng amidan

Bà không ăn uống được, bụng chướng, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, phát hiện amidan phải sưng to, kết quả chụp CT cho thấy hai bên vùng cổ có nhiều hạch kích thước 34x21 mm. Vùng bụng có nhiều khối u, trong đó khối lớn nhất kích thước 8x13 cm dính vào tá tràng gây tắc tá tràng, ứ dịch dạ dày, dính phần đầu tụy, bao quanh bó mạch chủ bụng.

Kết quả sinh thiết và giải phẫu khối u ở amidan xác định ung thư hạch, loại u lympho không Hodgkin (ung thư hạch bạch huyết). Hệ thống bạch huyết bao gồm hạch bạch huyết (hạch lympho) có khoảng 500-600 hạch được phân bố rải rác trên đường đi của mạch bạch huyết ở khắp cơ thể nhưng tập trung nhiều ở một số vùng như cổ, nách, bẹn, lá lách, tuyến ức, tủy xương. Đây là thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng và nhiều bệnh khác.

Ung thư hạch bạch huyết là sự phân chia mất kiểm soát của các tế bào lympho, chia giai đoạn theo vị trí hạch. Ngày 29/11, BS.CKII Nguyễn Trần Anh Thư, khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà Linh ung thư ở giai đoạn ba, tổn thương nhiều vị trí như hạch cổ, nách, ổ bụng, amidan bên phải.

Ảnh MRI cho thấy khối u lympho kích thước lớn trong ổ bụng, chèn ép nội tạng người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Ảnh MRI cho thấy khối u lympho kích thước lớn trong ổ bụng, chèn ép nội tạng người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bà Linh được truyền hóa chất theo phác đồ và đáp ứng tốt với thuốc điều trị. Sau toa thuốc đầu tiên, khối hạch nhỏ lại, không còn chèn ép các cơ quan xung quanh, amidan bên phải trở lại kích thước bình thường. Bà Linh ăn uống được, hết nuốt đau, không nôn ói, bụng không còn căng tức. Theo bác sĩ Anh Thư, bệnh nhân cần điều trị thêm 5 đợt hóa chất hoàn tất liệu trình để giảm kích thước hạch, ngăn ung thư tái phát.

Điều dưỡng khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM truyền thuốc cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Điều dưỡng khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM truyền thuốc cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ung thư hạch bạch huyết gồm lymphoma không Hodgkin (chiếm khoảng 90%) và lymphoma Hodgkin. Lymphoma không Hodgkin có tiên lượng xấu và điều trị khó khăn hơn, theo bác sĩ Thư.

Tổ chức ghi nhận Ung thư toàn cầu (Globocan) thống kê năm 2022, thế giới có khoảng 635.000 ca mắc ung thư hạch bạch huyết. Tại Việt Nam năm 2022, ung thư lymphoma không Hodgkin ghi nhận hơn 3.500 ca, là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 2.200 người. "Tỷ lệ tử vong cao do người bệnh đến bệnh viện ở giai đoạn trễ", bác sĩ Anh Thư nhận định. Tiên lượng tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân lymphoma không hodgkin phụ thuộc vào giai đoạn, loại ung thư, tuổi, khả năng đáp ứng điều trị. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư hạch không Hodgkin giai đoạn đầu là 74%, còn ung thư hạch Hodgkin là 92%.

Hiện, chưa xác định được nguyên nhân gây ung thư hạch bạch huyết. Tuy nhiên, bệnh có một số yếu tố nguy cơ như suy giảm hệ miễn dịch do di truyền, dùng thuốc ức chế miễn dịch, nhiễm HIV, tiếp xúc hóa chất độc hại. Mắc các bệnh viêm gan B, viêm gan C, Epstein-Barr, Herpesvirus 8, Helicobacter pylori cũng làm tăng nguy cơ.

Bác sĩ Anh Thư cho biết các hạch bạch huyết có thể xuất hiện riêng lẻ, sau đó dính lại với nhau tạo thành chùm, thường không đau. Lâu dài, hạch tăng kích thước, chèn ép cơ quan lân cận. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng khó thở, phù mặt nếu hạch chèn ép tĩnh mạch chủ trên. Vàng da do hạch chèn ép đường mật ngoài gan. Thận ứ nước do hạch chèn ép niệu quản, nôn mửa và táo bón (tắc ruột), tràn dịch màng phổi, phù chi dưới... Cùng với các biểu hiện trên, bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, sốt kéo dài, đổ mồ hôi đêm, giảm cân nhanh không rõ lý do.

Khi tự kiểm tra vùng cổ thấy bất thường, amidan và hạch sưng lâu không khỏi kèm sốt, ho, đau họng, người bệnh nên đi khám để bác sĩ chẩn đoán. Các phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị, ghép tế bào gốc... hoặc kết hợp nhiều biện pháp để tăng hiệu quả.

Nguyễn Trăm

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp