Ngày 9/12, đại diện Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết bệnh nhân được đưa vào Trung tâm y tế huyện cấp cứu sau đó chuyển tuyến lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, các tổn thương ở vùng trán rất phức tạp. Sau khi được phẫu thuật lấy máu tụ dưới màng cứng, lấy mảnh xương vỡ và chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu, người bệnh vẫn hôn mê sâu, sốt cao liên tục, không đáp ứng các thuốc hạ sốt.
Nhận định đây là ca bệnh rất nặng, tổn thương phức tạp, tiên lượng tử vong cao, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai – Trưởng khoa, quyết định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy theo đích, đưa thân nhiệt của người bệnh về 36,4 độ theo sự điều chỉnh liên tục của máy.
Hạ thân nhiệt chỉ huy còn gọi là ngủ đông, là kỹ thuật giúp kiểm soát thân nhiệt người bệnh theo đích bằng cách sử dụng các miếng dán làm lạnh kết nối với hệ thống máy điều chỉnh nhiệt độ liên tục, giúp kiểm soát thân nhiệt người bệnh tốt, không xâm lấn, ít tai biến. Thân nhiệt bệnh nhân ở mức 33-36 độ C trong vòng 24-48 giờ sau ngưng hô hấp. Mức nhiệt độ sinh lý bình thường là 37 độ C.
Sau điều trị tích cực, người bệnh tỉnh, được rút ống nội khí quản, hết sốt, giao tiếp tốt, hoạt động nhẹ nhàng và được xuất viện.
Phương pháp hạ thân nhiệt được áp dụng lần đầu tiên ở Việt Nam năm 2015 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh, hạ thân nhiệt giúp giảm tỷ lệ tử vong khoảng 14%, giảm tỷ lệ di chứng nặng 11%.
Hạ thân nhiệt chỉ huy được áp dụng cho các trường hợp người bệnh sau cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốt thần kinh, say nóng. Đây là phương pháp bổ trợ cho các phương pháp cấp cứu, cải thiện tỷ lệ tử vong và biến chứng trên bệnh nhân ngưng hô hấp và một số bệnh lý khác, mang lại cơ hội sống cho nhiều người bị tổn thương não sau ngưng tim, ngưng thở (ngừng tuần hoàn).
Thông thường, bệnh nhân ngừng tuần hoàn được cứu sống sẽ để lại các di chứng tổn thương não nặng nề như mất trí nhớ, co giật, liệt nửa người, nặng hơn có thể liệt toàn thân, hôn mê sống đời sống thực vật. Khi áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt, thân nhiệt bệnh nhân giảm xuống, cơ thể rơi vào trạng thái ngủ đông, nhu cầu chuyển hóa và tiêu thụ oxy giảm tối đa, ngăn cản xuất huyết nội tạng, phù não, nhồi máu cũng như ức chế các chất dẫn truyền gây độc tế thần kinh.
Phương pháp hạ thân nhiệt áp dụng cho bệnh nhân cấp cứu trước 6 tiếng khởi phát triệu chứng thì đạt hiệu quả cao nhất. Bệnh nhân cấp cứu sau 6 tiếng hiệu quả điều trị giảm.
Thúy Quỳnh