Thủ phạm gây ốm vặt

Di truyền

Bạch cầu là các tế bào lưu thông trong máu thuộc hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại mầm bệnh hoặc các tác nhân xâm nhập khác từ bên ngoài cơ thể. Người có số lượng bạch cầu (WBC) thấp cũng có nguy cơ mắc bệnh thường xuyên hơn. Tình trạng này được gọi là giảm bạch cầu, có thể do di truyền hoặc các bệnh khác gây ra.

Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng

Hệ miễn dịch có khả năng suy yếu nếu không duy trì chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng. Ăn thiếu chất dinh dưỡng thiết yếu, quá nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn có thể ảnh hưởng đến đường ruột cũng như sức khỏe miễn dịch. Nó cũng có khả năng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác nhau.

Chế độ ăn uống đủ chất giúp duy trì nhiều chức năng của cơ thể. Trong đó, nên ăn nhiều loại trái cây và rau củ hàng ngày, chọn protein nạc kết hợp protein từ thực vật, hải sản và cá béo. Hạn chế ăn đường tinh luyện, ngũ cốc tinh chế, thực phẩm siêu chế biến để tăng cường sức đề kháng tốt hơn.

Mất nước

Các mô và cơ quan trong cơ thể đều cần nước để duy trì hoạt động. Nước giúp vận chuyển chất dinh dưỡng, khoáng chất đến các tế bào, giữ ẩm cho miệng, mũi và cổ họng để phòng tránh tác nhân xâm nhập từ bên ngoài gây bệnh.

Mất nước xảy ra khi cơ thể không nhận đủ lượng chất lỏng, đại tiểu tiện, đổ mồ hôi thường xuyên. Các triệu chứng mất nước nhẹ đến trung bình bao gồm đau nhức, mệt mỏi, đau đầu, táo bón... Trường hợp nặng có thể dẫn đến khát nước cực độ, mắt trũng, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh, lú lẫn.

Người lớn cần uống 1,5-2 lít nước mỗi ngày hoặc nhiều hơn nếu đổ mồ hôi hoặc vận động nhiều. Ăn thực phẩm có hàm lượng nước cao như súp, trái cây (củ đậu, dưa hấu, dứa) và rau (cần tây, dưa leo) cũng giúp giữ nước.

Thiếu ngủ

Người trưởng thành cần ngủ 7-9 giờ mỗi ngày. Người không ngủ đủ giấc mỗi đêm có nhiều khả năng bị ốm hơn. Thiếu ngủ làm giảm khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể, khó chống lại nhiễm trùng và virus. Thường xuyên ngủ 6 tiếng hoặc ít hơn có liên quan đến giảm tuổi thọ, tăng nguy cơ nhiễm virus, giảm phản ứng kháng thể với tiêm chủng. Nó cũng làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim, tiểu đường...

Vệ sinh kém

Bàn tay tiếp xúc với nhiều vi trùng suốt cả ngày. Mầm bệnh có thể truyền qua cơ thể khi tay chạm vào các bề mặt, sau đó đưa lên mặt, môi hoặc thức ăn. Để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị cần rửa tay trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, chăm sóc người bệnh, điều trị vết thương, sau khi ho, hắt hơi hoặc xì mũi, thay tã hoặc cho trẻ ngồi bô, xử lý rác...

Rửa tay bằng nước ấm và xà phòng trong 20 giây hoặc sử dụng dung dịch rửa tay chứa có chứa ít nhất 60% cồn. Khử trùng mặt bàn, tay nắm cửa và các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng hoặc máy tính bằng khăn lau khi trong nhà có người bệnh.

Sức khỏe răng miệng kém

Răng, miệng là nơi trú ẩn của cả vi khuẩn tốt và xấu. Khi khỏe mạnh, khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể giúp duy trì sức khỏe răng miệng. Nếu vi khuẩn có hại phát triển ngoài tầm kiểm soát có thể gây bệnh, viêm nhiễm cùng các vấn đề ở bộ phận khác trong cơ thể.

Các vấn đề sức khỏe răng miệng mạn tính, kéo dài có liên quan đến một số tình trạng, bao gồm bệnh tim, viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng ở lớp lót bên trong tim... Đánh răng ít nhất hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn giúp kiểm soát vi khuẩn gây hại.

Bảo Bảo (Theo WebMD)

Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp