BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tiền sản giật là rối loạn thai kỳ ảnh hưởng đến 2-8% thai phụ. Biến chứng này đặc trưng bởi tình trạng tăng huyết áp mới khởi phát và protein niệu (tức hàm lượng protein cao trong nước tiểu), thường xuất hiện ở thai phụ mang thai trên 20 tuần.
Để chẩn đoán tiền sản giật, bác sĩ dựa vào kết quả đo huyết áp, lượng protein trong nước tiểu. Huyết áp từ 140/90 mmHG, trong hai lần đo cách nhau ít nhất 4 giờ ở phụ nữ mang thai từ 20 tuần, xét nghiệm protein niệu chỉ số ≥ 300 mg/24 giờ. Ngoài ra, các biểu hiện lâm sàng gợi ý thai phụ có nguy cơ mắc tiền sản giật như phù tay, chân, mặt, tăng cân đột ngột trong 1-2 ngày, đau vai, đau bụng, hạn chế tầm nhìn, đi tiểu ít, chóng mặt, nôn mửa.
Thai phụ bị tiền sản giật không được phát hiện và điều trị kịp thời có nguy cơ biến chuyển thành sản giật. Lúc này thai phụ xuất hiện các cơn co giật nặng hoặc hôn mê sâu không rõ nguyên nhân, có nguy cơ thể tử vong.
Như chị Thủy, 30 tuổi, ở Lâm Đồng, mang thai con so gần 26 tuần thì đau đầu. Chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, huyết áp cao 160/100 mmHg bác sĩ chẩn đoán tiền sản giật. Trước đó huyết áp của chị hoàn toàn bình thường (dưới 120/80 mmHg).
Sau hai ngày điều trị, huyết áp chị Thủy không thể kiểm soát, xét nghiệm đánh giá chức cho thấy diễn tiến tới suy gan, thận cấp, không thể kéo dài thai kỳ. Do cổ tử cung không thuận lợi sinh qua ngả âm đạo và thai suy, người bệnh được mổ lấy thai. Bé gái chào đời nặng 600 g, tím tái không thở, được êkíp trung tâm Sơ sinh hồi sức ngay tại phòng mổ. Người mẹ phải điều trị tại khoa ICU vì phù thận, bụng chướng. Sau ba ngày, sức khỏe ổn định, chị xuất viện sau 7 ngày phẫu thuật, bé tiếp tục được nuôi dưỡng trong lồng ấp.
Trường hợp khác, chị Minh, ở Đồng Nai, mang thai 35 tuần, thấy toàn thân phù bất thường nên đi khám. Bác sĩ kiểm tra huyết áp 169/102 mmHg, nước tiểu màu đỏ, được chẩn đoán tiền sản giật nặng, nguy cơ diễn tiến hội chứng HELLP. Đây là biến chứng nặng của tiền sản giật, nếu không chữa trị kịp thời, thai phụ bị co giật, thiếu oxy não, gây tai biến mạch máu não, xuất huyết não ồ ạt, tử vong. Thai nhi có nguy cơ suy, mất tim thai. Êkíp phải mổ khẩn trong đêm, bé trai chào đời nặng 2,6 kg, an toàn, song người mẹ được điều trị tích cực tại khoa ICU.
Trước đó chị Minh có tăng huyết áp ở mức 130/95 mmHG, dùng thuốc aspirin dự phòng tiền sản giật. Khoảng một tuần trước chị thấy cơ thể phù, chủ quan nghĩ sắp sinh, phù là bình thường nên không đi khám sớm.
Trong tháng cuối năm, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận 10 trường hợp phải mổ lấy thai vì tiền sản giật nặng, tất cả đều phải sinh non 26-37 tuần.
"Tiền sản giật nặng thường có diễn tiến nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tính mạng của thai phụ và thai nhi. Cách điều trị hiệu quả nhất là chấm dứt thai kỳ", bác sĩ Nhi nói, thêm rằng cân nhắc tình trạng của thai phụ và tuổi thai để ra quyết định phù hợp.
Bệnh có thể dự phòng trước 16 tuần thai kỳ bằng xét nghiệm sàng lọc nguy cơ tiền sản giật. Trường hợp sàng lọc thuộc nguy cơ cao được bác sĩ cho uống aspirin dự phòng kéo dài tới 36 tuần.
Những thai phụ từng được chẩn đoán tiền sản giật không nên chủ quan vì bệnh chưa có phương pháp điều trị hiệu quả. Bất kỳ phụ nữ nào mang thai, kể cả nhóm người trẻ, khỏe mạnh vẫn có thể mắc tiền sản giật. Một số yếu tố tăng nguy cơ như thai phụ có tiền sử từng bị ở lần sinh trước, béo phì, tăng huyết áp, đa thai, mang thai quá sớm (dưới 20 tuổi) hoặc quá muộn (trên 35 tuổi).
Trong ba tháng cuối, thai phụ có biểu hiện huyết áp cao, phù chân, đau đầu, nôn ói, tiểu ít cần đến bệnh viện ngay để tránh chuyển biến nặng. Tiền sản giật nặng có thể tiến triển thành hội chứng HELLP - tan huyết, tăng các men gan, giảm tiểu cầu, nguy cơ phải can thiệp ECMO (hỗ trợ chạy tim phổi nhân tạo).
Tuệ Diễm
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |