Thông tin được Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ ngày 30/11, tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12).
Tính từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên của Việt Nam được phát hiện tại TP HCM vào tháng 12/1990, đến cuối tháng 9 năm nay, thành phố có 52.695 người nhiễm HIV được quản lý. Trong đó, 48.741 trường hợp đang điều trị thuốc kháng virus HIV, chiếm gần 25% tổng số bệnh nhân cả nước. Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm, song tăng nhanh qua đường lây tình dục.
Giữa tháng 11, Bộ Y tế cũng cho hay 9 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.263 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV, 83% là nam giới, độ tuổi chủ yếu từ 15 - 29 (40%) và 30 - 39 (27%), nhóm chiếm tỷ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (42%).
Về địa bàn, các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện chủ yếu ở khu vực phía Nam và các thành phố lớn. Đặc biệt khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 70% số người nhiễm mới phát hiện. TP HCM nằm trong vùng Đông Nam Bộ, nơi tập trung kinh tế, văn hóa, giáo dục nên dân cư đổ về làm việc, học tập đông, dễ xảy ra các hành vi nguy cơ làm lây nhiễm HIV.
Hơn 30 năm qua, thành phố triển khai nhiều giải pháp dự phòng lây nhiễm, mở rộng và đa dạng hóa các loại hình xét nghiệm phát hiện HIV, tăng chất lượng điều trị, khám bệnh qua bảo hiểm y tế, kêu gọi giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người bệnh, mô hình phòng khám hỗ trợ toàn diện một điểm đến... Điều này giúp số người nhiễm HIV mới, số trường hợp chuyển sang AIDS và tử vong liên quan bệnh hàng năm liên tục giảm, song vẫn còn cao.
"Dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm nhiều nhất ở nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới", bác sĩ Châu nói, thêm rằng đây vẫn đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng cần quan tâm. Trong bối cảnh nguồn lực quốc tế tài trợ cắt giảm, việc giữ vững thành quả phòng chống dịch, hướng tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030, là thách thức lớn với thành phố.
Trước tình hình trên, UBND TP HCM đã phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Theo đó, thành phố bảo đảm đầu tư các nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với diễn biến tình hình dịch. Ngành y tế tăng cường cung cấp dịch vụ liên quan HIV thông qua bảo hiểm y tế, xây dựng các danh mục định mức kỹ thuật tạo điều kiện huy động nguồn lực xã hội hóa.
Người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị thì thông thường sau 6 tháng tải lượng virus xuống dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu). Khi đó, người này sẽ không lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền từ mẹ sang con. Nhờ đó, nhiều người nhiễm HIV vẫn lấy vợ, sinh con khỏe mạnh.
Bộ Y tế khuyến cáo những người chưa nhiễm HIV thuộc các nhóm nguy cơ cao như nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người bán dâm, người tiêm chích ma túy... dùng dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) bằng cách uống mỗi ngày một viên thuốc để ngừa bệnh. Dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) sử dụng khi phơi nhiễm với HIV trong 72 giờ, thường được áp dụng trong tình huống "tai nạn" như không sử dụng biện pháp an toàn, rách hay tuột bao cao su...
Lê Phương