Triệu chứng viêm và ung thư amidan khác nhau thế nào?

Hai bệnh này khác nhau thế nào, làm sao phòng ngừa? (Lân Nguyễn, 60 tuổi, Bình Thuận)

Trả lời:

Amidan là tổ chức lympho phía sau cổ họng, có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn, virus xâm nhập vào miệng và cổ họng. Viêm amidan thường do vi khuẩn và virus tấn công, xảy ra ở trẻ em và người lớn có sức đề kháng yếu. Các triệu chứng viêm amidan như đau họng, đau nhiều khi nuốt, hai bên amidan sưng to, đỏ, có thể có mủ. Viêm amidan thường gây sốt cao, mệt mỏi, ớn lạnh, hơi thở có mùi hôi do mủ hoặc viêm nhiễm, nổi hạch nhưng nhỏ, mềm, đau.

Triệu chứng viêm amidan thường xuất hiện đột ngột, tiến triển nhanh, khỏi sau 7-10 ngày nếu điều trị đúng cách. Tùy nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ chỉ định các phương pháp phù hợp như điều trị nội khoa hay phẫu thuật. Ung thư amidan là bệnh ác tính, thường do nhiễm virus HPV và các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, uống rượu, bệnh nhân suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV hoặc ghép tạng.... Bệnh thường gặp ở người lớn trên 40 tuổi.

Triệu chứng ung thư tiến triển từ từ, kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng, không giảm. Một số triệu chứng ung thư amidan như đau họng kéo dài, có thể chỉ ở một bên, không đáp ứng với điều trị thuốc, amidan sưng to bất thường và kích thước hai bên không bằng nhau. Hơi thở người bệnh có mùi hôi khó chịu, liên quan đến khối u hoại tử. Xuất hiện hạch cứng, không đau nhưng to dần theo thời gian, chảy máu nhẹ tại amidan hoặc vòm họng.

Người bệnh ung thư thường sụt cân nhanh, mệt mỏi kéo dài, ra mồ hôi trộm, loét miệng không lành, nước bọt có máu khi ho hoặc khạc, sưng hạch bạch huyết ở cổ. Khi ung thư amidan đã di căn, ngoài những triệu chứng trên, người bệnh có thể bị ho kéo dài, đau lưng, đau xương hoặc đau nhức toàn thân...

Bác sĩ Thúy Hằng (ngồi) phẫu thuật cắt amidan cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Thúy Hằng (ngồi) phẫu thuật cắt amidan cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Triệu chứng ung thư amidan giai đoạn đầu không đặc trưng, thường mơ hồ, dễ nhầm lẫn bệnh tai mũi họng thông thường khác. Bệnh diễn tiến âm thầm nên thường phát hiện khi ung thư đã ở giai đoạn muộn, xâm lấn cơ quan lân cận như lưỡi, hạch bạch huyết. Với viêm amidan, phương pháp chẩn đoán là khám lâm sàng, nội soi tai mũi họng, xét nghiệm máu để xác định nhiễm khuẩn (nếu cần).

Phương pháp chẩn đoán ung thư amidan gồm nội soi tai mũi họng để phát hiện khối u bất thường hoặc vùng amidan không đối xứng. Sinh thiết nhằm xác định tính chất ác tính. Chụp CT, MRI hoặc PET giúp đánh giá mức độ lan rộng.

Để phòng ngừa ung thư amidan, bạn nên tiêm ngừa vaccine HPV, hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá, vệ sinh răng miệng thường xuyên. Tăng cường tập thể thao, ăn uống khoa học, không ăn nhiều đồ chiên xào, giảm hàm lượng muối trong mỗi bữa ăn và khám sức khỏe định kỳ hàng năm để tầm soát ung thư cũng góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh.

ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung Tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp