Tưởng sốt mọc răng hóa viêm màng não

Ngày 26/11, ThS.BS.CKI Hạp Tiến Lộc, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bé Kiệt bị phồng thóp - triệu chứng thường thấy ở khoảng 25% trẻ bị viêm màng não. Bác sĩ chọc dò lấy dịch não tủy, kết quả ghi nhận số lượng tế bào bạch cầu tăng 173 (bình thường dưới 10), chẩn đoán bé Kiệt bị viêm màng não do vi khuẩn.

Trẻ bị viêm màng não do vi khuẩn cần điều trị với thuốc kháng sinh phổ rộng dùng qua đường tĩnh mạch để kiểm soát bệnh, giảm nguy cơ biến chứng. Ngoài ra, bác sĩ sẽ cấy vi khuẩn trong dịch não tủy bệnh nhân để xác định và điều chỉnh đúng loại thuốc đặc hiệu nếu kháng sinh ban đầu không đáp ứng. Liệu trình kháng sinh ít nhất 10 ngày để kiểm soát bệnh.

Sau ba ngày đầu sử dụng nhóm kháng sinh cephalosporin thế hệ thứ ba không đáp ứng, chỉ số nhiễm trùng vẫn tăng, bác sĩ đổi nhóm kháng sinh khác cho bé Kiệt. Sau hai tuần, sức khỏe bé ổn định, hết nôn và sốt, bú tốt, được xuất viện.

Bác sĩ Lộc khám cho bé Kiệt. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Lộc khám cho bé Kiệt. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Viêm màng não xảy ra ở mọi lứa tuổi, là bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương lây do tiếp xúc dịch tiết người bệnh. Bệnh do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm... Trong đó, virus là nguyên nhân gây bệnh ở trẻ phổ biến nhất, theo bác sĩ Lộc. Đây là bệnh lý nguy hiểm gây tổn thương đến hệ thần kinh, não bộ, các cơ quan khác. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như điếc, suy giảm trí nhớ, chậm phát triển, suy thận, tổn thương não vĩnh viễn nếu không điều trị kịp thời.

Trẻ dưới một tuổi mắc bệnh thường sốt cao, quấy khóc, nôn ói, lừ đừ, bỏ bú... nặng hơn bé có thể co giật, thóp phồng, vòng đầu to bất thường. Phụ huynh khi thấy trẻ có các biểu hiện này cần đưa đến viện khám ngay.

Để chẩn đoán viêm màng não ở trẻ em, bác sĩ cần xét nghiệm máu, chọc dò tủy sống, siêu âm xuyên thóp (ở trẻ nhỏ) hoặc chụp CT, MRI (ở trẻ lớn) khi nghi ngờ trẻ có biến chứng như tụ mủ, xuất huyết. Tùy nguyên nhân gây bệnh, trẻ được điều trị bằng các phương pháp khác nhau.

Nếu bệnh do virus, bác sĩ sẽ điều trị hỗ trợ nhằm tăng sức đề kháng, giúp cơ thể trẻ có thể tự tạo ra kháng thể. Lúc này trẻ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn uống đủ chất, sử dụng thuốc có tác dụng giảm nhẹ tình trạng sưng, viêm trong não, chống co giật...

Theo bác sĩ Lộc, số ca mắc viêm màng não ở trẻ thường tăng cao thời điểm giao mùa bởi thời tiết thay đổi thất thường, điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Phụ huynh cần chủ động phòng ngừa bằng cách vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Bé nên ăn thực phẩm đảm bảo nguồn gốc, chế biến kỹ, đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng, tiêm vaccine phòng bệnh. Gia đình cần khử trùng các bề mặt trẻ tiếp xúc, lau chùi nhà cửa, đồ chơi của trẻ.

Đình Lâm

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp