Xoa bóp thái dương thế nào để giảm đau đầu

Huyệt thái dương nằm ở vùng thái dương, là giao điểm của đường thẳng nối giữa đuôi mắt và đuôi lông mày. Huyệt thái dương liên quan trực tiếp đến thần kinh vận động cơ và chi phối cảm giác da (nhánh của dây thần kinh số 5). Trong Y học cổ truyền, đây là huyệt quan trọng vùng đầu, có liên quan đến đau đầu, đau nửa đầu, mất ngủ, các bệnh thần kinh và mắt.

Bác sĩ Mai Thị Chi Mai, khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhiều người thường xoa bóp thái dương để giảm đau đầu và căng thẳng, thư giãn nhanh. Dưới đây là một số lợi ích khi thực hiện đúng cách.

Giảm đau đầu: Bấm huyệt thái dương giúp kích thích các dây thần kinh, cải thiện triệu chứng đau do căng thẳng hoặc mệt mỏi. Hoạt động này có thể tiết ra endorphin - hormone có tác dụng giảm đau tự nhiên. Người bị đau nửa đầu và đau đầu do stress có thể xoa bóp huyệt thái dương.

Cải thiện tuần hoàn máu: Xoa bóp huyệt thái dương kích thích dòng máu lưu thông, tăng lượng oxy và dinh dưỡng đến các tế bào. Điều này không chỉ tốt cho hệ thần kinh mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tuần hoàn.

Giảm căng thẳng: Kích thích hệ giao cảm, tăng cảm giác thư giãn là những tác dụng khi bấm huyệt thái dương đúng cách. Người làm việc căng thẳng hoặc bị mất ngủ xoa bóp huyệt thái dương có thể đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, bác sĩ Mai lưu ý huyệt vị này có động mạch thái dương đi qua nên xoa bóp, bấm huyệt sai kỹ thuật có thể tác động tiêu cực đến thần kinh và mạch máu xung quanh. Một số sai lầm có thể kể đến như người bấm huyệt không có chuyên môn, thực hiện quá mức làm căng cơ, tổn thương mô mềm, bầm tím, đau nhức khu vực huyệt đạo.

Kích thích từ trường xuyên sọ điều trị đau đầu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Trung Vũ

Kích thích từ trường xuyên sọ điều trị đau đầu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Trung Vũ

Bác sĩ Mai hướng dẫn xoa bóp huyệt thái dương giảm đau nhức đầu đúng cách như sau:

Đầu tiên, xác định vùng huyệt thái dương và dùng hai ngón tay cái xoa bóp nhẹ ngược chiều kim đồng hồ trong vòng 30 giây. Cảm giác hơi đau nhói có thể xuất hiện nhưng động tác này mang lại lợi ích cho vùng mắt và đầu. Tiếp theo, nhắm mắt và dùng ngón tay trỏ vuốt nhẹ da mí mắt từ trong ra ngoài, rồi chuyển hướng vuốt từ mí trên xuống mí dưới, lặp lại khoảng 45-50 lần. Cuối cùng, dùng ngón giữa và ngón trỏ xoa nhẹ quanh mắt, di chuyển theo sống mũi, lên trán, rồi kéo dần xuống bên dưới và về vị trí ban đầu, lặp lại 50 lần.

Hiệu quả giảm đau tăng lên nếu kết hợp bấm huyệt với chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Người bị đau đầu nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, E, A, omega-3; hạn chế thức ăn nhiều đường và chất béo bão hòa, nên ngủ đủ giấc.

Người có tiền sử bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường hoặc bệnh tim mạch cần thận trọng khi xoa bóp, bấm huyệt thái dương. Áp lực không đúng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hoặc gây ra hậu quả không mong muốn.

Bác sĩ Mai lưu ý xoa bóp, bấm huyệt thái dương chỉ là giải pháp giảm đau đầu tạm thời. Người thường xuyên đau đầu, căng thẳng, đau đầu dữ dội, đột ngột và không giảm, đau đầu kèm theo các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn mửa, hoa mắt, chóng mặt nên đến bác sĩ khoa thần kinh, y học cổ truyền khám. Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân gây đau đầu và điều trị phù hợp.

Việt An

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp